Cách ép đẻ cá la hán
Cá la hán (Cichlasoma sp.) được nhập nội từ năm 2001, hiện rất phổ biến mặc dù đã qua cơn sốt đỉnh điểm vào giai đoạn 2004-2006. Cá có thể tiếp tục sinh sản trong nước khá dễ dàng, tuy nhiên nguồn cá la hán đẹp hiện vẫn phải nhập ngoại do chưa nắm rõ công thức lai tạo. Bài viết cung cấp thông tin về kỹ thuật sản xuất giống cá la hán…Cá la hán (Cichlasoma sp.) thuộc họ Cichlidae, giống Cichlasoma, tên tiếng anh là Flower horn Fish. Thời gian thành thục của cá la hán khoảng 7 – 8 tháng tuổi, tuy nhiên cá sinh sản tốt lúc trên 10 tháng tuổi. Cá được nuôi trong bể kính thời gian tái phát dục chậm hơn với điều kiện tự nhiên. Tùy vào chế độ nuôi vỗ, thời tiết mà thời gian tái phát dục kéo dài từ 1 – 3 tháng
Tuyển chọn và nuôi vỗ cá bố mẹ: Chọn cá la hán bố mẹ có ngoại hình cân đối, phần đầu gù to cân đối với cơ thể, các hoa văn giống “chữ hán” (Phúc Lộc Thọ), vảy có châu (kim cương), màu sắc đẹp và đặc trưng. Tìm hiểu nguồn gốc cá, không dùng cá đực và cá cái trong cùng một thế hệ nhằm tránh hiện tượng cận huyết. Sau khi chọn xong, tiến hành nuôi vỗ cá bố mẹ, đây là khâu quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sinh sản cũng như hiệu quả kinh tế của trại giống. Thức ăn cho cá bố mẹ gồm tép bò, thịt băm, thức ăn tổng hợp… để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng các thành phần protein và chất khoáng cần thiết. Môi trường nước thích hợp cho cá: nhiệt độ từ 28 – 310C, pH nước tốt nhất từ 7.0 – 7.5. Thường xuyên thay nước ít nhất 3 ngày một lần. Đồng thời trang bị hệ thống sục khí liên tục đảm bảo lượng oxy cần thiết, hệ thống lọc giúp bể nuôi sạch sẽ cá ít có nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Chọn cá bố mẹ cho sinh sản: lựa chọn cá bố mẹ cho sinh sản phải tiến hành nhanh gọn và chính xác, tránh làm sây sát cá, làm cá bị mất sức ảnh hưởng đến kết quả sinh sản. Yêu cầu chọn những con cá cái có bụng to, mềm đều, lỗ sinh dục xưng to và dài ra. Cá đực vuốt nhẹ bụng có tinh dịch màu trắng sữa chảy ra.
Phân biệt đực cái: khi cá còn nhỏ phân biệt đực cái rất khó, phân biệt đực cái tốt nhất là khi cá đến độ thành thục. Khi thành thục sinh dục cá đực có gai sinh dục nhỏ nằm sát vây hậu môn mà cá cái không có. Cá cái có lỗ sinh dục lồi. Tuy nhiên để nhìn ra được gai này cần phải có kinh nghiệm, bỡi có một tia vây của vây hậu môn cũng rất giống gai sinh dục. Phân biệt được giới tính sớm rất có ích cho người sản xuất giống cũng như người nuôi cảnh vì chủ động được loại cá mà mình cần, nếu cá lớn đến độ thành thục thì có giá trị rất cao.
Bố trí cá sinh sản: nên cho cá đẻ tự nhiên bằng cách ghép cặp bố mẹ cho sinh sản. Bể đẻ có kích thước từ 50 x40 x 40 cm, nước trong bể phải sạch sẽ không nên cho nước quá đầy. Vệ sinh bể sạch sẽ cả bên trong lẫn bên ngoài để dễ dàng quan sát hoạt động sinh sản của cá, ngoài ra còn có thiết bị che chắn một góc bể nơi đặt giá thể để cá sinh sản mà không bị tác động, đặt bể nơi yên tĩnh. Về việc chọn giá thể, giá thể cứng, có thể dùng một miếng gạch diện tích 10 – 20 cm, vệ sinh giá thể bằng cách sát trùng với nước muối 5 ‰, sau đó đặt ở góc bể nơi được che kín. Tùy theo điều kiện sản xuất mà ta có sự lựa chọn bố mẹ, cần phải đặt mục đích sản xuất lên hàng đầu. Tỷ lệ cá tham gia sinh sản là 1 đực và 1 cái. Thời gian cá sinh sản nên ngừng cho cá ăn để cá tập trung toàn bộ vào vấn đề sinh sản. Đây là loài cá sống “đơn lẻ” nên cần phải chú ý kỹ cá đực và cá cái có chịu bắt cặp hay không. Trường hợp có xung đột xảy nên vớt cá ra. Để khắc phục chuyện này nên để cá bố mẹ vào 2 bể gần nhau để cá có thể làm “quen” với nhau vài ngày. Trường hợp không xảy ra xung đột, cá đực sẽ luôn bơi theo cá cái chứng tỏ chúng có thể sinh sản trong vài ngày tới. Cá thường sinh sản lúc trời nắng ấm, nhiệt độ trong bể cao, vào buổi trưa lúc 11 – 13 giờ và kết thúc lúc 15 – 16 giờ. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thành Linh (2006), sức sinh sản thực tế của một con cá cái có trọng lượng 0,3 kg đến 0.4 kg đạt được từ 1.200 – 1.500 trứng tức khoảng 4.000 trứng/kg cá cái. Sau khi cá sinh sản xong cá mẹ tiến hành ấp trứng, cá đực có nhiệm vụ bảo vệ. Nếu bạn chuẩn bị tốt thì nên vớt cá bố mẹ ra và đem trứng đi ấp ở nước chảy nhẹ qua thau có đựng rổ trứng. Nếu không có điều kiện thì ấp trong bể kiếng ban đầu nhưng phải thay nước thường xuyên. Kết quả ấp trứng trong nghiên cứu này thu được: tỷ lệ thụ tinh đạt 90%, tỉ lệ nở đạt 60%.
Ấp trứng: Có 2 cách ấp trứng: để cho cá cái tự ấp trứng , hoặc vớt cá bố mẹ ra cho nước chảy nhẹ liên tục để ấp trứng để bảo đảm nguồn oxy cần thiết cho sự phát triển của phôi. Trong nghiên cứu này, sau 48 giờ cá nở, tỷ lệ nở khoảng 65% tỷ lệ sống của cá 3 ngày tuổi khoảng 90%. Để cho cá sinh sản tốt quan trọng nhất là khâu nuôi vỗ cá bố mẹ. Mặc khác để trứng cá có tỷ lệ nở cao cần sử dụng nước trong sạch, ít chất lơ lửng, hạt phù sa để trứng không bị bám lên trên bề mặt trứng, khó khăn trong việc trao đổi oxy của trứng.
Kỹ thuật ương cá lên một tuần tuổi: Sau 3 ngày tuổi cá bột có thể ăn thức ăn bên ngoài, cá con bắt đầu bơi lên mặt nước và đi tìm thức ăn. Nên sử dụng phiêu sinh động như moina để cho cá ăn. Ngoài ra có thể dùng lòng đỏ trứng nghiền nhuyễn hòa tan vào nước cho ăn.
Thời gian đầu cá đang hình thành và phát triển bộ máy tiêu hóa nên cần cung cấp đầy đủ lượng thức ăn. Tuy nhiên có quá nhiều phiêu sinh động trong bể sẽ gây cạnh tranh oxy, cá con thiếu oxy sẽ chậm lớn và dễ chết. Cần thay nước thường xuyên và loại bỏ phiêu sinh động cũ. Trong giai đoạn này không nên để ánh sáng chiếu trực tiếp vào bể ương, do cá còn nhỏ dễ mẫn cảm với ánh sáng và nhiệt độ. Cần đặt bể ương nơi có bóng mát, có nhiệt độ ổn định.
Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Thành Linh, 2006. Kỹ thuật sản xuất giống cá la hán. Luận Văn Tốt Nghiệp Khoa Thủy Sản. Trường Đại Học Nông Lâm TP. HCM.